Hồng treo gió – Món ngon kỳ công được nhiều người ưa thích
Trong các loại nông sản sấy khô, hồng treo dường như trở thành món ăn lạ miệng bởi cách làm tỉ mỉ cho đến mùi vị bên trong trở nên đặc biệt.
Hồng được “treo” có an toàn vệ sinh thực phẩm ?
“Mùa hồng năm nay ngoài hồng chín cây, hồng dòn còn có hồng treo . Bên ngoài khô nhưng bên trong lại đượm mật ngọt, không cần sấy, chỉ với không khí và nắng trời, những trái hồng Đà Lạt tươi ngon tự biến mình thành những trái hồng khô nâu, ngọt đậm đà và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Cắn một miếng, nhắm mắt lại, cảm nhận vị ngọt vừa thanh vừa đậm kích thích vị giác” – Đó là lời miêu tả nhầm hút khách của một số nơi chào bán hồng treo. Vậy loại thực phẩm này nên mua như thế nào là an toàn?
Theo tìm hiểu của PV, nhiều nơi bán cho biết hồng treo gió sử dụng công nghệ Nhật Bản để nâng cao giá trị trái hồng Đà Lạt, nên hiện nay khi nhắc tới mặt hàng nông sản không thể không nhắc đến món ăn này.
Vào năm 2012, những nông dân sản xuất hồng gió từ Nhật Bản và các chuyên gia nông nghiệp của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đã đến Đà Lạt hướng dẫn cho các hộ nông dân phương pháp chế biến hồng chỉ dùng nắng và gió tự nhiên không dùng than đá, than củi.
Sự thanh khiết của hồng treo gió và cách chế biến đẹp mắt đã khiến món hồng gió Đà Lạt tạo tiếng vang lớn khắp cả nước sau đó ít lâu. Giá trị của trái hồng được nâng cao hơn rất nhiều. Quá trình sản xuất cũng khá công phu. Trái hồng dùng để làm hồng gió phải là những trái già vừa chín tới, đã chuyển sang màu vàng cam và vẫn còn độ cứng cho dễ gọt vỏ. Trong quá trình thu hoạch phải chừa lại cuống vì đây là điều quan trọng nhất vì cuống dùng để treo dọc từng trái theo dợi dây khác với phương pháp sấy truyền thống.
Hồng sau khi hái sẽ được rửa sạch, gọt vỏ chừa cuống để treo. Sau khi gọt vỏ hồng được tiến hành xử lý nhiệt và vô khuẩn sau đó treo thành từng dây trong nhà kính. Sau khi treo 5 – 7 ngày phải tác động lực nhẹ nhàng cho quả hồng bằng cách dùng ngón tay nắn nhẹ xung quanh quả để giúp quả hồng tạo mật, không bị cứng bên ngoài cũng không quá mềm bên trong. Sau thời gian 20 – 30 ngày tùy loại hồng và thời tiết sẽ tiến hành hạ giàn, cắt cuống và đóng gói thành phẩm.
Phương pháp này hay ở chỗ hồng chín tới đâu thì được gió và nắng sấy khô tới đó nên thành phẩm mềm, giữ nguyên độ ngọt và vị vốn có của hồng tươi. Nhược điểm của phương pháp này là độ hao hụt sau chế biến rất lớn, nếu thời tiết nắng mưa thất thường hồng sẽ rụng cuống hoặc lên mốc không thể sử dụng được nữa. Thành phẩm hồng treo gió ngon là trái hồng còn nguyên cuống, vỏ se khô mỏng dính, ruột đặc quánh, ngọt thanh, thơm mùi hồng chín.
Giá các loại hồng treo
Hiện nay, trên một số trang bán hàng online và cửa hàng bán mặt hàng này có mức giá giao động từ 480.000 – 650.000 đồng/kg.
Để cho ra được 1kg hồng treo gió, chị Yến – chủ quầy bán ở chợ âm phủ Đà Lạt cho hay phải dùng tới 7 – 8 kg hồng tươi. Hiện đang cuối mùa, giá thị trường của hồng ngâm quả tươi loại ngon hiện nay đã 40.000 – 50.000 đồng/kg. Tính riêng chỗ đó, chi phí đã khoảng 300.000 – 400.000 đồng.
Mua buôn sẽ rẻ hơn, nhưng với công sức bỏ ra, thì dù chị Yến có bán 500.000 đồng/kg thì nghe xong cách làm, nhiều người cũng sẽ không tiếc số tiền bỏ ra để nếm thử món ăn thú vị này.
Một số cửa hàng như hệ thống L’angfarm bán hồng sấy treo Nhật Bản cắt lát, 90g, bịch, mẫu bịch giấy washi có giá 54.000 đồng; hồng sấy treo, dòng phổ thông, 225g có giá 131.000 đồng; hồng sấy treo Nhật Bản, dòng phổ thông, 250g, hộp, mẫu vân gỗ có giá 165.000 đồng; hồng sấy treo Nhật Bản, dòng đặc biệt, 270g, hộp, mẫu vân gỗ giá 199.000 đồng. Thông thường thời hạn sử dụng sẽ là 12 tháng. Bảo quản: 0-10 độ C, sản phẩm cũng sẽ ngon hơn khi để tủ lạnh rồi mang ra ăn.
Lưu ý: Với loại thực phẩm này có nhiều thông tin cảnh báo an toàn, vệ sinh: không sử dụng khi sản phẩm có mùi vị lạ. Sau một thời gian, hồng tiến hành lên men tự nhiên tạo lớp đường màu trắng trên bề mặt (không phải nấm mốc).
Lớp “phấn trắng” phủ lên quả hồng là một loại men vi sinh, sẽ tự động sản sinh sau một thời gian. Nhờ mặt ngoài của hồng có đường glucose và fructose nên các men này phát triển nhanh để bao bọc quả hồng, vừa giúp bảo vệ hồng khỏi bị mốc, đồng thời còn giúp cho hồng thêm hương vị vì nó phân giải chất tanin còn sót lại làm cho hồng hết chát.
Theo Phụ Nữ Mới – https://phunumoi.net.vn/hong-treo-gio-mon-ngon-ky-cong-duoc-nhieu-nguoi-ua-thich-d185379.html