Cách làm đặc sản núi rừng thịt trâu gác bếp

Thịt trâu gác bếp đang ngày càng trở lên phổ biến và là món ngon yêu thích bởi du khách gần xa nếu như không có điều kiện đến mua tận nơi thì mời độc giả hãy tham khảo cách làm thịt trâu gác bếp trong bài viết dưới đây nhé!

Thịt trâu gác bếp vốn là đặc sản của người Thái đen, xưa kia họ nghĩ ra cách ướp thịt trâu, bò treo lên gác bếp để có thể ăn được lâu, dùng trong những ngày lễ tết, cỗ bàn hay những dịp quan trọng.

Đặc biệt, món ăn phát huy tác dụng bổ sung dưỡng chất khi đi rừng dài ngày và mùa mưa lũ khó ra ngoài lấy thức ăn. Ngày nay, món ăn trở thành đặc sản phổ biến, có mặt nhiều trong bữa cơm của dân bản, được những thực khách miền xuôi rất ưa thích.

Cách làm đặc sản núi rừng thịt trâu gác bếp
Cách làm đặc sản núi rừng thịt trâu gác bếp

1. Cách làm thịt trâu gác bếp:

Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu

  • Thịt trâu: 2,5kg
  • Đường: 1 chén nhỏ
  • Sả: 4-5 cây
  • Gừng: 2 củ
  • Ớt khô, mắc khén
  • Tỏi: 2 củ

Lưu ý: Nên chọn thịt trâu được nuôi ở vùng núi, thịt sẽ săn chắc và ngon. Có thể chọn thịt trâu đồng bằng nhưng nên chú ý chọn loại không bị bơm nước để đảm bảo độ dai ngon của thịt.

Bước 2: Đối với món ăn này không thể thiếu được hương vị của mắc khén, một loại gia vị đặc trưng của vùng núi Tây Bắc có vị cay thơm rất đặc biệt. Lấy gừng, tỏi và sả bóc vỏ thái chỉ. Sau đó cho 3 loại gia vị trên cùng mắc khén vào giã nhỏ mịn.

Bước 3: Thịt trâu lọc sạch phần gân và mỡ thừa để thịt dễ xé hơn khi ăn. Sau đó rửa sạch và thái thớ dài 6-12cm, dày khoảng 3cm. 

Ướp thịt với hỗn hợp mắc khén, gừng và tỏi, sả ở trên khoảng 4-5 giờ cho thịt đậm vị và mềm. Như vậy cách làm thịt trâu gác bếp ngon, đậm đà hương vị, hấp dẫn hơn.

Bước 4: Xiên thịt vào que rồi sấy khô trên than củi. Để thịt có vị thơm ngon nên dùng củi bàng tang, bã mía và vỏ quýt hun. Khi đốt củi có than rồi mới bắt đầu treo thịt lên trên để tranh khói bẩn trong quá trình mình đốt lửa bám vào thịt.

Bước 5: Sấy thịt khoảng 2 giờ đồng hồ cho thịt chín tới, lưu ý không nên để thịt gần lửa quá khiến miếng thịt cháy sém mất ngon. Hun liên tục 12 đến 15 giờ khi thịt có màu đỏ đẹp và dậy mùi đặc trưng của thịt gác bếp.

Sau đó, mang thịt đi hấp chín. Khi thịt chín, mang thịt lên gác bếp hun tiếp cho tới khi thịt khô như ý.

Lưu ý:

  • Nếu không có lò hun khói, có thể tự chế lò bằng cách chế 2 thùng carton xếp chồng lên nhau rồi gác thịt lên trên. Cho 1 chậu than hoặc chậu có chứa củi đốt bên dưới. Không để than sát thùng quá sẽ cháy thùng. Bạn cũng có thể quây miếng 1 miếng tôn lớn lại cũng được, làm bằng tôn sẽ khó cháy hơn.
  • sau công đoạn hấp chín thịt, tiếp tục cho thịt lên gác bếp hun tới khi thịt khô như ý. Nếu không có gác bếp cũng có thể cho thịt gác lên lò tự chế ban đầu để hun.
  • Nếu không có củi bàng tang, bạn có thể dùng than củi mua ở chợ, rồi lấy ít bã mía hoặc vỏ cam quýt cho vào cùng chậu than để tạo mùi khói và hun thịt cũng được.

2. Mẹo xé thịt trâu gác bếp

Cách xé trực tiếp ăn luôn là cách ăn thịt trâu gác bếp ngon nhất và dễ dàng nhất. Anh chị em sau khi bỏ túi trâu khô gác bếp bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh ra. Để giã đông khoảng 30 phút. Chỉ cần xé thanh trâu gác bếp ra thành từng miếng nhỏ là có thể thưởng thức, không cần chế biến mất công, không phải nướng lên như mực, bỏ ra là ăn được luôn.

Mẹo để xé thịt trâu gác bếp là giã đông xong dùng chày đập miếng trâu cho mềm, tơi ra. Sau đó anh chị em cứ xé đôi miếng thịt trâu ra. Xé đôi, xé đôi, xé đôi,… Và xé đôi. Rất dễ dàng và cực nhanh là có đĩa trâu khô gác bếp xé thơm ngon rồi.

3. Cách làm nước chấm “Chẩm” ăn thịt trâu gác bếp

Bát nước chấm Chẩm( trong tiếng thái Chẩm có nghĩa là thức Chấm, người Thái chúng tôi dùng chẩm trong bữa ăn hàng ngay chứ không dùng nước mắm như người miền xuôi) với cách làm nước chấm thịt trâu gác bếp dưới đây:

Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu

  • 2 hạt dổi
  • Mắc khén dùng thìa nhỏ
  • 1 quả ớt
  • 1 thìa muối
  • 3-5 thìa nước

Bước 2: Hạt dổi nướng qua than hoa giã nhỏ, mắc khén đã giang và xay nhuyễn, trộn đều các nguyên liệu với nhau để món món chấm Chẩm.

Ngoài ra ăn thịt trâu gác bếp chấm kèm tương ớt cũng rất ngon. Đặc biệt có thể thưởng thức thịt gác bếp với tương ớt mường khương

4. Cách ăn thịt trâu gác bếp

Cách ăn thịt trâu gác bếp truyền thống

Mỗi khi đi làm nương rẫy về, chỉ cần vùi miếng thịt gác bếp vào tro(do) bếp, để tầm 15-20 phút là thịt trâu nóng, mềm. Xé gia ăn kèm cơm nếp là đã có một bữa thịnh soạn.

Cách ăn thịt trâu gác bếp bằng lò vi sóng

Bạn cho miếng thịt trâu khô gác bếp nhúng qua với nước, sau đó bỏ vào lò vi sóng khoảng từ 2-3 phút với nhiệt độ 600w. Ôi miếng thịt trâu nóng hổi, thơm nức mũi mùi gia vị mắc khén, mùi khói bếp …

Cách ăn thịt trâu gác bếp hấp cách thủy

Nếu không có lò vi sóng có thể bỏ thịt trâu gác bếp vào hấp cách thủy. Bỏ vào nồi cách thủy, thêm 1 chút nước, cách hấp như xôi cơm. Anh chị em cũng có thể dùng nồi cơm điện, nồi nấu canh bỏ thêm 1 chút nước, cho vào 1 cái bát sao cho lòng bát cách ly với nước.

Cách xào thịt trâu khô gác bếp

Thịt trâu khô gác bếp  thường xào với măng rừng để ăn. Cách làm đơn giản, cho thịt trâu vào đảo đều trên chảo nóng cho ra mỡ, sau đó cho măng rừng vào, thêm các loại rau sẵn có như rau thơm,…

Một món nữa trong cách xào thịt trâu khô gác bếp có thể xào với rau đặc sản cải mèo cũng rất thơm ngon!

5. Cách chọn thịt trâu gác bếp ngon 

Cách chọn thông qua màu sắc

Với cách chọn thịt trâu gác bếp ngon qua màu sắc thì thịt trâu có hình thức bên ngoài khô, màu nâu thẫm, nhưng phần trong vẫn hồng hào, tươi đỏ, ngọt đậm đà, những thớ thịt trâu màu nâu hồng rất bắt mắt. Còn thịt bò hay thịt lợn thì có màu đỏ.

Cách chọn thông qua mùi vị, hình dáng

Khi ăn thịt trâu gác bếp sẽ cảm thấy vị thơm đặc trưng của khói ám lâu ngày, và vị dai ngọt đặc trưng của thịt trâu.

Thịt trâu gác bếp có mùi tỏi đặc trưng. Các cụ có câu: Trâu tỏi, bò gừng. Thịt trâu sẽ có mùi mắc khén, hạt dổi, nặng mùi tỏi, còn thịt bò gác bếp thì sẽ có nhiều mùi gừng hơn. Thịt bò thì không có mùi đặc trưng như thịt trâu nên không khó để có thể phân biệt giữa thịt trâu và thịt lợn.

Thịt trâu được cắt thành từng miếng dẹt, dọc theo thớ thịt khoảng một gang tay. Thịt trâu sau khi sấy rất cứng và dày, vì thế để dùng được món thịt trâu khô, trước khi ăn, người dùng sẽ phải lấy búa, chày để dần (đập) mềm thịt ra, nếu là thịt trâu thì miếng thịt sẽ giãn đều ra, còn nếu là thịt lợn miếng thịt sẽ vụn nát

Cách chọn thông qua mức giá

Hiện 1 kg thịt trâu tươi có giá từ 220.000 – 250.000/kg, để làm được một kg thịt trâu khô phải mất 3,2 kg thịt trâu tươi. Chính vì thế, giá thịt trâu khô trên thị trường hiện khá đắt, dao động từ 800.000 – 1.500.000 đồng/kg, người làm ăn chân chính cũng chỉ thu lãi được từ 200.000 – 250.000/kg thịt trâu khô.

Để làm được 1 kg thịt lợn nái giả trâu, trung bình chủ hàng chỉ mất 2,3 kg thịt lợn nái tươi. Như vậy, mỗi 1 kg thịt lợn nái sấy khô giả trâu chủ hàng đã lãi được 600.000 – 700.000 đồng.

6. Cách bảo quản thịt trâu gác bếp

Thịt trâu gác bếp được bảo quản tốt có thể sử dụng trong vòng 6 đến 8 tháng mà không mất đi hương vị của nó. Bạn có thể bảo quản thịt trâu gác bếp ở ngoài cũng được nhưng tốt nhất là bạn nên bảo quản nó trong tủ lạnh ngăn đá.

  • Thịt trâu gác bếp bảo quản ở nhiệt độ thường, có thể để trong 3-4 ngày. Sau đó sẽ có hiện tượng mốc trắng. Chỉ có thể bảo quản thịt trâu gác bếp ở nhiệt độ thường nếu để trên giàn bếp.
  • Sai lầm thường thấy nhất khi bảo quản thịt trâu gác bếp là bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Điều này tương tự như để ở nhiệt độ phòng, thịt sẽ bị mốc từ 3-4 ngày.
  • Thịt Trâu Gác Bếp khi bị mốc sẽ có 2 dạng: mốc xanh và mốc trắng. Với miếng thịt bị mốc xanh thì không nên dùng vì có thể gây hại cho sức khỏe.
  • Đối với miếng thịt bị mốc trắng, hoàn toàn có thể ăn được, do đặc tính lớp khói bám đặc biệt ở bề ngoài thịt trâu giúp bảo quản thịt và mốc ở đây giống như mốc tương, ta chỉ cần đánh sạch chỗ mốc vừa rồi, sau đó nướng qua lửa hoặc bỏ vào lò vi sóng là có thể thưởng thức.

Bài viết trên của HER đã giới thiệu đến độc giả cách làm đặc sản núi rừng thịt trâu gác bếp cùng cách chọn thịt và bảo quản. Hãy áp dụng ngay để chiêu đãi người thân và bạn bè nhé!