Trong thân xác đàn ông
Hành trình kiếm tìm bản thân không bao giờ dễ dàng, và họ khao khát được sự đồng cảm, bao dung của người xung quanh để sống thật với chính mình.
Trong “Cô gái Đan Mạch”, Ulla Paulson từng nói với Einar rằng: “Anh biết không, kiếp trước anh chắc chắn là một cô gái, hoặc thiên nhiên đã phạm sai lầm”. Đúng, Einar vốn đã nhận ra rằng phần nữ ẩn sâu trong tâm trí giống như một con người mắc kẹt bên trong ông. Và Lili chật vật trỗi dậy trong hơn 2 thập kỷ giữa xã hội còn đầy định kiến.
Nhưng đó chẳng phải những chuyện chỉ có ở những năm 1900. Hơn 100 năm sau, vẫn có hàng trăm nghìn Lili khác không thể sống đúng là chính mình.
Giấc mơ không ngày hẹn
Trở về căn phòng trọ vỏn vẹn 25m2 sau một ngày làm việc, Đ.Đ.A (25 tuổi, Hà Nội) bắt đầu tính toán những khoản thu chi trong tháng. Đ.Đ.A đang chắt chiu từng đồng tiền nhỏ để thực hiện giấc mơ mà cậu khao khát gần nửa đời người: Trở thành con gái.
“Nam không ra nam, nữ không ra nữ”, “Thằng Đ.A bê đê kìa, đừng chơi với nó, lây đấy”. Đó là một trong những lời miệt thị hẳn không ít người chuyển giới từng phải nghe suốt thời thơ ấu.
Là con trai duy nhất trong gia đình có 5 chị em, “chàng trai” gốc Hà Nội được bố mẹ coi như báu vật mà ông trời ban tặng. “Mẹ em cố sinh một lần nữa xem có được con trai không, vì bố em là con trưởng. Lúc ấy bà 45 tuổi rồi. Rồi em ra đời, nghe kể bố mẹ em lúc ấy vừa cười vừa khóc trong hạnh phúc” – Đ.A kể, trên miệng nở một nụ cười duyên dáng thoáng nét buồn. Ngay từ khoảnh khắc chào đời, Đ.A đã được mặc định sẽ gánh trên vai trách nhiệm của một người con trai nối dõi tông đường.
Những kỳ vọng ấy khiến Đ.A không thể bày tỏ con người thật của mình với gia đình. Sau khi nhận ra giới tính thật của mình, Đ.A giằng xé giữa việc bộc lộ giới tính thật của bản thân và vai diễn người con trai độc nhất của gia đình. Những cuộc tranh cãi về sở thích nữ tính giữa Đ.A với bố mẹ ngày một nhiều. Khoảng thời gian cấp 3 vĩnh viễn trở thành vết xước trong ký ức.
Hết năm nhất đại học, Đ.A chuyển ra thuê trọ để tránh sự soi xét của gia đình. Đ.A lén lút chăm chút cho những sở thích nữ tính: nuôi tóc dài, tham gia nhảy cover nhóm nhạc nữ, mặc những bộ áo quần rực rỡ. Đ.A nhận show diễn triền miên, sáng đi làm, tối đi diễn cùng vũ đoàn với hi vọng sớm góp đủ tiền để trở thành một cô gái đích thực.
May mắn hơn Đ.A, B.Đ.H (29 tuổi, Vĩnh Phúc) nhận được sự cảm thông từ người mẹ đơn thân sau nhiều lần trải lòng. Thế nhưng việc trở về với đúng con người thật của Đ.H cũng chẳng dễ dàng. Mẹ Đ.H không may mắc bệnh thận mãn tính. Toàn bộ số tiền kiếm được từ công việc kế toán chỉ đủ để chi trả những khoản viện phí cùng đồ ăn thức uống hàng ngày. Đ.H không trách mẹ, nhưng vẫn thương cho phận mình.
“Mình từng nghĩ nếu 35 tuổi mà chưa đi chuyển giới được thì coi như là hết, chắc mình sẽ tự tử” – Đ.H nói. Nhưng nghĩ thương mẹ, Đ.H lại tiếp tục nhập vai đứa con trai mẫu mực. Nếu có ngày thực hiện được ước mơ, H. cùng mẹ hẳn phải bỏ xứ. Bởi ở làng quê nhỏ của H., chưa bao giờ có ai chuyển giới.
Những vết thương tâm lý từ thời học sinh khiến Đ.H khép mình và cẩn trọng với mọi người xung quanh. Gần 30 tuổi nhưng Đ.H chưa từng có cho mình một mối tình. Đ.H cũng muốn được yêu, nhưng điều đó không thể trong hình hài hiện tại. Mỗi ngày trôi qua với Đ.H là sự chán chường, vô nghĩa khi không thể là chính mình.
Đ.A, Đ.H chỉ là hai trong hàng trăm nghìn người chuyển giới Việt vẫn đang mắc kẹt trên con đường đến với giấc mơ sống là chính mình.
Mắc kẹt trong định kiến
Theo thống kê tại hội thảo “Luật Chuyển đổi giới tính vì người chuyển giới”, tại Việt Nam ước tính có khoảng 300.000 người chuyển giới. Trong đó, chỉ có khoảng 0,9% đã phẫu thuật hoàn toàn, 6,9% đã phẫu thuật cấy ngực, 32,4% chỉ sử dụng hormone và 59,8% chưa phẫu thuật và chưa sử dụng hormone (theo Báo cáo nghiên cứu hiện trạng và nhu cầu của Isee).
Mặc dù trong khoảng 10 năm trở lại đây, thái độ của xã hội đối với cộng đồng LGBT đang có dấu hiệu tích cực hơn, nhưng sự kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn hiện hữu thường xuyên, gây tổn thương tới cộng đồng người chuyển giới. Có thể thấy, bên cạnh những lí do về tài chính, một người chuyển giới sẵn sàng “come out” hay thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính phải chuẩn bị tâm lý đối diện với ánh nhìn của mọi người sau khi thay đổi, sự kỳ thị từ phía gia đình và xã hội hay những khó khăn trong các thủ tục pháp lý, giấy tờ… Người chuyển giới thường bị chú ý, phân biệt đối xử, bạo lực ngôn từ ngay trong chính gia đình và trên mạng xã hội. 83% người được hỏi thừa nhận bị chế giễu bởi là người chuyển giới trong khảo sát của SCDI.
Người chuyển giới cũng là một trong những nhóm có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới. Theo số liệu trong báo cáo về tỷ lệ tự tử của nhóm người chuyển giới ở Mỹ, thực hiện bởi Viện Williams Institute kết hợp cùng Tổ chức Phòng chống tự tử Hoa Kỳ, 4,6% dân số từng có hành vi tự chấm dứt cuộc sống của mình. Chỉ số này tăng lên 10 – 20% ở nhóm đồng tính và song tính, và đạt 41% ở nhóm chuyển giới. Nguyên nhân chủ yếu đến từ những lời nhận xét, công kích tàn nhẫn.
Ngay cả khi vượt qua rào cản gia đình và trải qua khoảnh khắc sinh tử trên bàn phẫu thuật, người chuyển giới vẫn tiếp tục trở thành mục tiêu công kích. Ca sĩ Lynk Lee sau khi công khai chuyển giới vào tháng 04/2020 đã nhận vô số phản ứng trái chiều. Bên cạnh bạn bè, những người hâm mộ bày tỏ sự ủng hộ, một bộ phận cư dân mạng đã để lại không ít bình luận khiếm nhã về ngoại hình mới của Lynk Lee.
Đỉnh điểm là khi nữ ca sĩ khoe bức ảnh mặc bộ váy lấp lánh, ôm sát lên mạng, đánh dấu lần đầu trở lại sân khấu với vẻ ngoài mới, có đến 80% trong số 10.000 bình luận dưới bức ảnh (chủ yếu đến từ giới tính nam) là những lời miệt thị nặng nề về ngoại hình, giới tính, cơ thể, khả năng tình dục, thậm chí là khả năng khiến đàn ông hứng thú. “Quái thai”, “tởm lợm”,… là những từ ngữ thiếu văn minh mà nhóm người này sử dụng để xúc phạm Lynk Lee – một người đánh cược cả mạng sống để là chính mình.
8 năm phấn đấu trong ngành giải trí, “nàng hậu” Hương Giang với sự thông minh, nhạy bén, khôn khéo đã thành công thay đổi không ít định kiến về người chuyển giới của khán giả. Tuy nhiên, những nỗ lực đó chưa đủ để xóa nhòa bóng hình nam giới năm xưa. Mới đây, một nam MC truyền hình bất ngờ đăng tải dòng trạng thái được cho là nói về Hương Giang. Nội dung bài đăng được cho là thể hiện sự kỳ thị khi nhắc lại chuyện Hương Giang là nam chuyển giới thành nữ, cho rằng chuyện cô lên sóng truyền hình chỉ “phụ nữ thuần chủng” cách chinh phục đàn ông là kỳ lạ, đi xa giới hạn.
Lối thoát
Lynk Lee, Hương Giang đều là những cá nhân ít ỏi trong cộng đồng người chuyển giới dám mạnh mẽ công khai câu chuyện của bản thân. Họ có được sự ủng hộ của gia đình, của người hâm mộ, có sự tự tin khi hoàn thiện được ước mơ trở thành phụ nữ. Nhưng những điều đó vẫn không bảo vệ họ toàn diện khỏi những lời miệt thị tựa nhát dao cứa vào quá khứ.
Vậy còn biết bao nhiêu nỗi đau mà những người chưa thể sống thật với chính mình, những người vẫn đang mắc kẹt trong hình dáng nam giới xa lạ, trong định kiến xã hội và nỗi sợ khác biệt, chấp nhận giam cầm bản thân để làm hài lòng số đông phải chịu đựng? Ai sẽ bảo vệ họ? Ai sẽ giúp những cô gái thật sự trong họ được giải phóng khỏi những kỳ vọng, trách nhiệm, tiêu chuẩn mà gia đình và xã hội áp đặt?
Hành trình tìm kiếm bản thân của người chuyển giới sẽ không bao giờ là dễ dàng. Đó là giấc mơ được đánh đổi bằng tiền, máu, mồ hôi và nước mắt, thậm chí là cả tính mạng. Nhưng điều mà họ khát khao nhất chính là sự đồng cảm, bao dung và chấp nhận từ những người xung quanh, để không còn phải lừa dối bản thân, sống trong mặc cảm dị biệt.
Theo Phụ Nữ Mới