Chuyện của những đứa con

Mỗi một giai đoạn trưởng thành của trẻ nhỏ đều cần sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ. Đôi lúc chúng ta tưởng rằng rất hiểu tâm lý con cái nhưng không phải. Các bậc phụ huynh hãy dành thời gian bên con nhiều hơn để tuổi thơ của chúng được trọn vẹn!

Có buổi sáng nọ trước giờ đi học tôi phát hiện ông con dậy sớm hơn bình thường, trong bóng tối nó lúi húi nhặt nhạnh vài món đồ chơi nhỏ cho vào cặp. Tôi không dám hỏi ngay, vài ngày sau lựa lúc vui mới hỏi, ông con “khai” mang đồ chơi đến trường đổi cho các bạn để lấy nem chua rán người ta bán trong giờ ra chơi.

Tôi hình dung gương mặt ông con ra làm sao lúc giờ ra chơi thèm thuồng món nem chua bạn nó ăn, bỗng trào lên sự ân hận. Tôi luôn nghĩ nó đầy đủ cũng như còn quá bé để biết tiêu tiền và cũng không bao giờ nghĩ được nó tự xoay xở theo phương án đó. Thứ 2,4,6 có nem chua, sáng dúi vào cặp ông con 10.000, ngày đầu tiên có tiền hắn hồ hởi kể hôm nay đã mời một người bạn thân 1 cái nem chua, hắn ăn 1 và nở nụ cười rạng rỡ…

Thời đại này, trong hàng ngàn thứ cha mẹ mặc định luôn hiểu con hóa ra toàn hiểu lầm. Thế giới trẻ con bây giờ không theo hệ quy chiếu tuổi thơ cũ rích nghèo đói thèm khát từ thìa đường đến tấm áo mới của bố mẹ.

Tôi không nghĩ rằng đóng học phí đắt đỏ, đúng hạn là đã bàn giao trọn vẹn trách nhiệm trông con giờ hành chính cho nhà trường, nhưng quả thực trong sự mơ hồ nào đó tôi phó thác tất tật cho họ. Mối liên hệ duy nhất là chữ ký nguệch ngoạc “Bố cháu đã kiểm tra bài” trong quyển sổ liên lạc.

Hắn bị bạn mượn “đểu” không trả lại món đồ chơi nó thích nhất. Sau vụ “nem chua” tôi mới nhận ra mình không mấy hiểu con, từ việc nó chơi với ai, thích môn học nào…và cả việc bị bắt nạt. Tôi tư vấn “mách cô đi”, nó suy nghĩ và từ chối cách đó vì “giống mấy bạn con gái”. Tôi bảo thế thì bố chịu rồi nhưng con phải đấu tranh. Rồi cũng không biết bằng cách nào nó lấy lại được đồ chơi, đi học về hồ hởi nhao vào khoe ngay. Tôi không hỏi hắn bằng cách nào, nhưng chắc chắn hắn không dùng cách “giống mấy bạn con gái”.

Ngày còn nhỏ, cái mũi tôi như chỉ để chảy máu cam trong những lần “đấu tranh” quyền lợi ở trường tiểu học, thời thế có vẻ đã thay đổi.

Tôi có chị bạn quen, con trai chị hơn cu con nhà tôi 1 tuổi, nhà ngập đồ chơi và những thứ đồ dùng xa xỉ khác vượt ngưỡng tuổi trẻ con, có tất. Ông con tôi thích đến đó chơi vô cùng và thắc mắc: “Tại sao bạn ý lúc nào cũng buồn, chả nói chuyện gì cả”.

Tôi cũng không biết, đến con của bố còn chưa hiểu hết cơ mà.

Có lần đến nhà chị vì việc đột xuất, cả nhà đi làm chưa về, thằng cu ngồi ăn trưa giữa căn phòng rộng thênh thang rệu rạo nhai cơm trắng lẫn với bánh phồng tôm, bà ô sin ngồi kế bên hờ hững cùng cái iPad. Tôi ngập ngừng có lời giải đáp.

Mấy năm trước tôi và bạn bè thỉnh thoảng vào trung tâm trẻ mồ côi trong Suối Hai, Ba Vì. Bế mỗi đứa trẻ lên, tôi cảm thấy rõ những em bé mắt nhắm nghiền rên rỉ sung sướng, cái ôm của con người ngay cả từ những người xa lạ cũng có sức mạnh nhiều hơn chúng ta nghĩ.

Ở chỗ chắn tàu thuộc đường Điện Biên Phủ bây giờ, vẫn còn có một cây thông cao mọc nghiêng nghiêng trong sân căn biệt thự màu trắng, nó chắc chắn là cây thông to nhất thành phố này. Những năm tuổi thơ bị nhốt trong căn phòng 18m2 tầng 2 trên phố Hàng Bông khi bố mẹ đi làm, tôi ngồi thò cả 2 chân ra cửa sổ, ôm lấy chấn song và nhìn cái cây thông đó mờ xa xa như tận cuối chân trời. Tôi kể chuyện với cây thông tôi đã làm bài tập toán như thế nào và vài lần còn hỏi nó mấy giờ mẹ đi làm về.

Tuổi thơ trẻ con có vẻ uể oải dài dằng dặc, nhưng thật ra khi ngoảnh lại ta thấy thời lượng “trôi” nhanh hơn pin của bất kỳ loại smart-phone nào.

Theo Kinh tế môi trường