Paolo Rossi – quả bóng vàng kỳ lạ nhất lịch sử

Huyền thoại bóng đá vừa qua đời, Paolo Rossi, là cầu thủ duy nhất trong lịch sử Quả bóng Vàng khi giành danh hiệu ngay sau án cấm thi đấu 2 năm.

“Ho Fatto Piangere il Brasile” (Tôi đã khiến Brazil phải khóc) là tên cuốn tự truyện ra đời năm 2002 của Paolo Rossi. Tiêu đề của cuốn sách cũng gói gọn lại khoảnh khắc vinh quang nhất trong sự nghiệp của Rossi. Đó là cú hat-trick giúp Italy đả bại Brazil của Zico, Socrates, Falcao 3-2 tại World Cup 1982.

Brazil năm đó tới giờ vẫn được coi là tập thể hay nhất chưa từng vô địch World Cup. Và thất bại của Selecao trước gót giày của Paolo Rossi nổi tiếng với cái tên “Ngày bóng đá đẹp chết đi”.

Song để có buổi chiều đỉnh cao tại sân Sarria cách đây 38 năm, Rossi đã chịu vô vàn cay đắng, và khác biệt so với bất kỳ ngôi sao nào trong lịch sử.

Paolo Rossi nâng cao cúp vàng World Cup 1982 sau khi đưa Italy vô địch thế giới. Ảnh: Getty.

“Tôi đã khiến tuyển Brazil phải khóc”

Trước khi World Cup 1982 bắt đầu, không ai dám nghĩ Rossi sẽ được triệu tập lên đội tuyển Italy. Là chân sút xuất sắc của bóng đá Italy và từng là cầu thủ đắt giá nhất thế giới, nhưng Rossi có sự nghiệp gián đoạn nghiêm trọng vào năm 1980.

Bê bối dàn xếp tỷ số Totonero nổ ra khiến Rossi khi đó khoác áo Perugia bị cấm thi đấu 3 năm. Sau đó, án phạt này bị giảm xuống 2 năm, nhưng cũng khiến Rossi không thể dự EURO 1980 cùng Azzurri. Trong suốt quãng thời gian đen tối này và tới trước khi qua đời, Rossi luôn nhấn mạnh bản thân mình vô tội.

Trước khi World Cup 1982 bắt đầu, Rossi thực tế đá vỏn vẹn 3 trận trong 2 năm và có vỏn vẹn 1 bàn thắng cho Juventus. Giới chuyên môn coi sự nghiệp của Rossi khi đó đã chấm dứt. Bởi vậy, khi Enzo Bearzot đưa Rossi vào danh sách dự World Cup, cả Italy đã sốc. Giới chuyên môn không tin Rossi đủ thể lực để thi đấu bóng đá đỉnh cao, còn người hâm mộ không muốn thấy một kẻ nhúng chàm xuất hiện ở ĐTQG.

Paolo Rossi đá vỏn vẹn 3 trận trong 2 năm trước khi dự World Cup 1982 cùng ĐT Italy. Ảnh: Getty.

Niềm tin của Bearzot vào Rossi bị thử thách khi ở giai đoạn vòng bảng World Cup 1982, Italy không thắng trận nào khi hòa cả 3 trận trước Ba Lan, Cameroon, Peru. Azzurri chỉ có thể đi tiếp với ngôi nhì bảng nhờ hơn Cameroon hiệu số. Rossi là nhân vật bị chỉ trích nặng nề nhất khi thi đấu vật vờ. Gazzetta dello Sport gọi Rossi là “bóng ma vô định trên sân” và chấm anh 4 điểm sau 3 trận.

Tới vòng bảng thứ hai (tương đương với giai đoạn tứ kết ngày nay), Italy phải đối đầu Argentina và Brazil. Bất chấp 3 trận liền tịt ngòi, Rossi vẫn được HLV Bearzot tin tưởng xếp đá chính. Đáp lại, Rossi tịt ngòi trận thứ 4.

Dẫu vậy, Italy vẫn thắng Argentina với các bàn của Marco Tardelli và Antonio Cabrini. Kết quả này cùng với việc Brazil đả bại đại kình địch Argentina biến trận Italy gặp Brazil trở thành cuộc đấu quyết định cho tấm vé bán kết.

Không ai dám nghĩ Italy có thể làm nên chuyện trước Brazil khi Zico, Socrates, Eder, Falcao… đang chơi giải đấu bùng nổ nhất sự nghiệp với hàng loạt chiến thắng cách biệt và mãn nhãn.

Mặc kệ những chỉ trích từ quê nhà Italy, Rossi vẫn được Bearzot xếp đá chính trước Brazil. Lần này, Rossi thực sự đã đáp lại niềm tin của ông thầy. Ngay phút thứ 5, anh đưa Italy vươn lên dẫn trước với pha chọn vị trí chuẩn xác trong vùng cấm. 7 phút sau, Zico và Socrates phối hợp như đá tập để đưa trận đấu về vạch xuất phát.

Phút 25, Rossi tận dụng sai lầm hàng phòng ngự Brazil để cướp bóng trước khi dứt điểm nát lưới Selecao. Trong 25 phút, Rossi đã ghi gấp đôi số bàn thắng mình trong 2 năm. Tuy nhiên, cuộc đấu chưa kết thúc. Phút 68, Falcao đưa trận đấu trở về vạch xuất phát với cú sút xa sấm sét đánh bại Dino Zoff.

Khoảnh khắc vĩ đại của Rossi đến vào phút 74. Từ pha đá phạt góc bên cánh phải, Rossi như một bóng ma xuất hiện sát khung thành Brazil để đệm bóng tung lưới. Người Brazil chết lặng trên khán đài trong những tiếng hét vỡ òa của người Italy.

Cú hat-trick của Rossi đánh sập hoàn toàn Brazil, loại các vũ công Samba khỏi giải đấu mà phần đông giới mộ điệu đều nghĩ họ sẽ vô địch. Với người Italy, họ vỡ òa khi trong thời khắc khó khăn nhất, Rossi đã xuất hiện, dù hệt như một bóng ma, để mang lại chiến thắng cho Azzurri.

Tới trận bán kết với Ba Lan của hàng loạt hảo thủ như Boniek, Lato hay Szarmach, Rossi tiếp tục đặt tất cả dưới gót giày với một cú đúp. Italy vào chung kết World Cup đối đầu với Tây Đức. Như một định mệnh, Rossi lại ghi bàn. Lần này là cú đánh đầu trong tư thế bị đối thủ theo kèm sát sao.

“Bàn thắng đó là hình ảnh phản chiếu cho cá tính của tôi”, Rossi nói với FIFA năm 2018. “Tôi đã nhanh hơn đối thủ chỉ 1% giây và biết chắc cậu ta không bao giờ có thể đuổi kịp”.

Italy thắng Tây Đức 3-1 để lần thứ ba vô địch thế giới. Bình luận viên Nando Martellini hét ba lần “Italy vô địch thế giới” trên sóng truyền hình với hình ảnh Rossi ôm chầm lấy đồng đội và HLV Enzo Bearzot.

Từ cầu thủ bị cấm thi đấu 2 năm vì tham gia dàn xếp tỷ số, chỉ đá 3 trận trước World Cup, Rossi đã ghi 6 bàn trong 3 trận knock-out, đưa Italy vô địch thế giới và ẵm luôn Quả bóng Vàng World Cup lẫn Quả bóng Vàng châu Âu.

Năm 2012, Lionel Messi đã ghi 91 bàn trong một năm dương lịch để giành Quả bóng Vàng. Rossi có 14 bàn trong năm 1982 (cả trong màu áo Juve), nhưng thực tế chỉ 6 bàn tại World Cup trên đất Tây Ban Nha trong màu áo Italy là quá đủ để huyền thoại người Italy vượt lên tất cả để trở thành cầu thủ hay nhất thế giới năm 1982, và cũng là chủ nhân kỳ lạ nhất trong lịch sử Quả bóng Vàng.

Di sản của Paolo Rossi

Bóng đá Italy đã chấn động vì thông tin Paolo Rossi qua đời ở tuổi 64. Rossi có thể chỉ là một trong nhiều người từng giành Quả bóng Vàng và vô địch World Cup.

Song ở mảnh đất hình chiếc ủng, Rossi mang nhiều giá trị hơn thế. Người Italy thấy ở huyền thoại vừa qua đời sự vươn lên kỳ diệu giữa vực thẳm, sự kiên nhẫn và những ký ức tươi đẹp của riêng họ.

Rossi đã trở lại và khẳng định đẳng cấp vào thời điểm không ai dám nghĩ ông có thể làm được điều đó.

Chia sẻ với FIFA năm 2018, Rossi tiết lộ: “Khi trận chung kết khép lại, tôi tự nói với chính mình: Mày đã làm được. Thế rồi mọi hình ảnh quan trọng trong sự nghiệp của tôi cứ tua ngược, từ khi tôi còn là cậu nhóc đến lúc đó”. Trước đó 8 năm, Rossi thừa nhận kỳ World Cup 1982 giúp ông nhìn lại quá khứ với sự an yên. “Trước đó, mọi chuyện không phải lúc nào cũng như thế. Tôi từng là vấn đề lớn”, ông nói.

Rossi không bị HLV Bearzot gạt đi dù tịt ngòi tới 4 trận và thi đấu vật vờ như một bóng ma để rồi sau cùng chói sáng. Câu chuyện về sự kiên nhẫn, niềm tin và trái ngọt giữa Rossi – Bearzot truyền nhiều cảm hứng tại Italy đến mức ở World Cup 2006, khi Luca Toni cũng tịt ngòi 4 trận từ vòng bảng đến vòng 1/8, người Italy và HLV Marcello Lippi vẫn giữ nguyên niềm tin vào Toni chính bởi những gì Rossi đã làm tại World Cup 1982.

Với người Italy, Rossi phần nào đó là vùng ký ức tươi đẹp bậc nhất. Chia sẻ với Fourfourtwo năm 2010, Rossi mỉm cười khi tiết lộ ông thường xuyên bị những người dân Italy hỏi thăm giữa đường về trận cầu với Brazil năm nào.

“Họ chỉ muốn nói chuyện. Đó là trận đấu lịch sử với người Italy. Tất cả đều muốn nói về những ký ức của riêng mình, về việc đã theo dõi trận đấu đó ở đâu, đang làm gì. Họ luôn yêu quý tôi. Thật vui khi được trở thành một phần ký ức của tất cả theo cách ấy”, Rossi nói.

Với người hùng như Rossi, không phải lúc nào mọi chuyện cũng vui như tất cả nghĩ. Khi nhớ lại trận chung kết World Cup 1982, Rossi thừa nhận: “Khi trận đấu kết thúc, tôi thấy có hơi buồn bã. Vì mọi thứ chợt kết thúc. World Cup đã hết. Điều đó khiến tôi băn khoăn hạnh phúc thực sự là gì. Hạnh phúc chỉ là một giây thôi, hoặc một khoảnh khắc. Và rồi, nó cứ thế biến mất”.

Hạnh phúc của Rossi có thể kéo dài ngắn ngủi chỉ vài giây sau khi trở thành nhà vô địch World Cup. Song với người Italy, hạnh phúc về những ký ức tươi đẹp mà Paolo Rossi mang lại tại World Cup 1982 sẽ mãi không bị phai nhạt.

Nhiều thế hệ người Italy chứng kiến mùa hè Espana 82 đỉnh cao của Rossi đã mang những hồi ức ấy sang thế giới bên kia, hoặc đơn giản hơn, là kể cho những thế hệ sau đó nữa về một người hùng vươn lên từ đáy vực của tội lỗi và sự nghi ngờ nhưng mang về hạnh phục tột đỉnh cho người Italy.

Đó trên hết mới là di sản lớn nhất của Paolo Rossi.

Theo arttimes – Thời báo Văn học nghệ thuật

"Các dự đoán và nhận định về bóng đá được cung cấp trong chuyên mục này chỉ là để mang lại niềm vui và giải trí cho người đọc, không nên sử dụng cho mục đích cược bóng đá. Vì đấy là hành vi không được nhà nước cho phép.."